I. Đại cương
– Hoại tử vô khuẩn xương (Avascular Necrosis / Osteonecrosis) hay còn gọi là hoại tử vô mạch là bệnh hoại tử tế bào xương và tủy xương, thường xảy ra sau một thiếu máu cục bộ chỉ tác dụng duy nhất trên một khu vực sinh trưởng: đầu xương, hành xương và mỏm xương.
– Có nhiều dạng tùy theo định khu, phạm vi và tuổi xuất hiện:
+ Ở hành xương và thân xương: nhồi máu xương
+ Đầu xương: hoại tử vô khuẩn
+ Ở trẻ nhỏ: hoại tử nhân đầu xương được gọi là bệnh thoái hóa xương sụn
+ Ở người lớn: hoại tử do thiếu máu ở một vùng đầu xương, nếu nhỏ dưới 1cm gọi là viêm xương sụn bóc tách, nếu rộng gọi là hoại tử vô khuẩn đầu xương.
II. Hoại tử chỏm xương đùi
1. Đại cương
– Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương tế bào xương và tủy xương do bị thiếu máu nuôi dưỡng chỏm xương đùi, đầu tiên vùng hoại tử tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương sau đó dẫn đến gẫy xương dưới sụn và cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và gây mất chức năng khớp háng dẫn tới tàn phế.
– Nguồn cấp máu cho chỏm xương đùi đến từ các nhánh của động mạch mũ đùi trong.
– Tỷ lệ mắc bệnh ở nam gặp nhiều hơn nữ theo Jeanne (2006) tỷ lệ nam nữ là 8/1, theo Michael A (2008) là 4/1, lứa tuổi thường gặp là 30 đến 50 tuổi.
– Tại Việt Nam, bệnh chiếm 2,28% trong số các bệnh khớp thường gặp (Bệnh viện Bạch Mai từ 1991-2000), trong những năm gần đây bệnh ngày càng được phát hiện nhiều hơn.
– Bệnh nhân đến viện thường ở giai đoạn muộn nên điều trị bảo tồn ít có hiệu quả khi đó bệnh nhân phải thay khớp háng nhân tạo. Nếu chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ cho phép dự phòng được sự tiến triển của bệnh và hạn chế tối đa biến chứng và mức độ tàn phế.
2. Nguyên nhân
– Nguyên nhân do chấn thương: Gãy chỏm xương đùi, trật khớp háng, các chấn thương không có gãy chỏm xương đùi hay trật khớp háng, tái tạo khớp háng bằng phẫu thuật (thay khớp háng, cố định xương đùi bằng nẹp vít, bóc tách màng hoạt dịch).
– Không do chấn thương: Bệnh nhân lạm dụng rượu, dùng nhiều corticoit, rối loạn chuyển hóa, bệnh mạn tính, hóa trị liệu, tia xạ hay hút thuốc lá…
– Tự phát: khoảng 25% bệnh nhân không do chấn thương mà cũng không thấy có yếu tố nguy cơ phối hợp nào.
3. Đặc điểm lâm sàng
– Trên lâm sàng triệu chứng của bệnh nghèo nàn, ít đặc hiệu, có khi bệnh diễn biến nhiều năm mà không có triệu chứng gì.
– Khoảng 50% bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi khởi phát đột ngột với triệu chứng đau khớp háng.
– Đau khớp háng mang tính chất cơ học, tuy nhiên có một sổ bệnh nhân lại có triệu chứng đau tăng về đêm.
– Giảm vận động khớp háng là triệu chứng thường gặp sau khi xuất hiện đau. Bệnh nhân thường có dáng đi khập khiễng.
– Hoại tử chỏm xương đùi thường bị tổn thương ở cả hai chỏm xương đùi với thời gian khởi phát và mức độ tiến triển khác nhau. Tuỳ thuộc vào lứa tuổi, đặc biệt là tuỳ thuộc vào các yếu tố nguy cơ nếu có. Theo Steinberg, thông thường đau khớp háng thứ hai xuất hiện sau đau khớp háng thứ nhất trong vòng 1 năm.
Tài liệu tham khảo
* Hoại tử xương vô khuẩn – PGS. Nguyễn Đức Phúc
* Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi – PGS.TS Trần Trung Dũng
* Hình ảnh cộng hưởng từ bệnh lý khớp háng – ThS. Đàm Thủy Trang
* From the Radiologic Pathology Archives Imaging of Osteonecrosis: Radiologic-Pathologic Correlation – Mark D. Murphey, MD Kristopher L. Foreman
* Subchondral Fractures in Osteonecrosis of the Femoral Head: Comparison of Radiography, CT, and MR Imaging –
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 9/1/2025
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 13/12/2024
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 28/2/2024