I. Đại cương
– Ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát (Hepatocellular carcinoma – HCC) là ung thư phổ biến trên thế giới. Theo GLOBOCAN năm 2020 thì ung thư gan đứng hàng thứ 6 chiếm 4,7% số người mắc mới với số lượng là 905.667 ca. Trong số nam giới, ung thư gan đứng hàng thứ 5 sau các ung thư phổi, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, dạ dày với số mắc mới là 632.320 người. Nó cũng là một trong những ung thư gây tử vong hàng đầu trên thế giới với 830.180 người, đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Ung thư gan hay gặp nhất ở Mông Cổ, đứng thứ 2 là ở Đông Nam Á.
– Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng đầu trong số các ung thư với số mắc mới năm 2020 là 26.418 người, chiếm 14,5% các ung thư và đứng thứ nhất, nhiều hơn ung thư phổi (26.262 người). Tỷ lệ tử vong do ung thư gan cũng đứng hàng đầu với 25.272 người, chiếm hàng đầu trong số các tử vong do ung thư.
– Trong số các ung thư gan nguyên phát thì HCC chiếm khoảng trên 90%.
– HCC thường xảy ra trong bệnh cảnh xơ gan. Người ta nghĩ HCC là do phát sinh từ nốt loạn sản tiền ác tính, biệt hóa ngược dần từ độ ác thấp đến độ ác cao trên mô học.
– HCC đơn ổ ở 50%, đa ổ 40% và lan tỏa 10%.
– AFP (Alpha-fetoprotein) cao trong 50-70% bệnh nhân.
– 20% không do xơ gan, yếu tố liên quan: độc chất từ nấm hoặc hormon.
– Xâm lấn tĩnh mạch cửa gặp ở 1/3 số bệnh nhân và thường gặp nhiều hơn ở dạng thâm nhiễm lan tỏa.
– Lâm sàng: đau bụng, sút cân, vàng da, gan to, cổ chướng và Anpha-Fetoprotein tăng cao.
– Biến chứng: vỡ gây chảy máu trong ổ bụng.
* Yếu tố nguy cơ:
– HBV: nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2016 thì tỷ lệ nhiễm HBV tại Việt Nam khoảng 8,2-19% tùy theo tác giả. Cũng theo những nghiên cứu này, nguy cơ mắc UTBMTBG cao hơn từ 15 đến 20 lần so với những người không mắc HBV.
– HCV: năm 2016 thì tỷ lệ mắc HCV ở người lớn tại Việt Nam khoảng 1-3,3%. Những người nhiễm HCV có nguy cơ bị mắc HCC gấp 17 lần người bình thường.
– Đồng nhiễm HBV và HCV: hiếm khoảng 2,7%
– Rượu: những người lạm dụng đồ uống có cồn sẽ dẫn đến nguy cơ xơ gan cao hơn và nguy cơ mắc HCC cao hơn.
– Yếu tố khác:
+ Bệnh di truyền Haemochromatosis.
+ Nhiễm Aflatoxin: là loại độc tố được sản xuất bởi các loại nấm Aspergillus parasiticus và Aspergillus flavus trong thực phẩm (lạc mốc, gạo mốc), là một chất gây ung thư, đặc biệt khi nó tương tác với virus viêm gan B để tăng đáng kể nguy cơ HCC.
+ Một số hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường và hút thuốc lá.
+ Một số nguyên nhân hiếm gặp bao gồm: viêm xơ đường mật, thiếu alpha-1-antitrypsin, thuốc tránh thai.
* Xét nghiệm
– Ngoài các xét nghiệm đánh giá chung về toàn trạng như công thức máu, sinh hóa máu với các chỉ sổ về đường huyết, men gan, GGT, Bilirubin có thể có những biến đổi như tăng men gan, tăng bilirubin.
– AFP (Alpha Foeto Protein): Quan trọng trong chẩn đoán. Bản chất của nó là một glycoprotein được sản xuất trong thời kỳ phôi thai. Nồng độ AFP tăng cao trên 400ng/ml được cho là có giá trị cao trong chẩn đoán HCC nguyên phát, tuy nhiên độ nhạy của nó không cao, thấp dưới 40%. Những khối u nhỏ thường có nồng độ AFP thấp. Một số tác giả cũng cho rằng mức AFP chỉ cần trên 200ng/ml là có thể chẩn đoán HCC nguyên phát, tuy nhiên theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Bộ Y tế thì mức AFP là > 400ng/ml
– Hiện tại có đánh giá mức AFP L3 có thể được dùng để phân biệt sự gia tăng của AFP trong các trường hợp u lành tính ở gan. Ngưỡng giá trị bình thường của nó là 5%
– Des-gamma-carboxyprothrombin (DCP) được xem là một xét nghiệm chỉ điểm HCC, có độ đặc hiệu cao 95%, tuy nhiên độ nhạy thấp với các khối u nhỏ hơn 3cm, nên bị hạn chế sử dụng trong lâm sàng
* Tiêu chuẩn chẩn đoán:
– Khi tổn thương ở gan có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
+ Hình ảnh điển hình của HCC trên CT có cản quang hoặc MRI bụng có tương phản từ + AFP > 400 ng/ml.
+ Hình ảnh điển hình của HCC trên CT scan bụng có cản quang hoặc MRI bụng có tương phản từ + AFP tăng cao hơn bình thường (nhưng chưa đến 400 ng/ml) + có nhiễm HBV và/hoặc HCV. Có thể làm sinh thiết gan để chẩn đoán xác định nếu bác sĩ lâm sàng thấy cần thiết.
– Có bằng chứng giải phẫu bệnh lý là HCC.
Tài liệu tham khảo
* CT and MR Imaging Diagnosis and Staging of Hepatocellular Carcinoma: Part I. Development, Growth, and Spread: Key Pathologic and Imaging Aspects – Jin-Young Choi, MD Jeong-Min Lee, MD Claude B. Sirlin, MD
* Hepatocellular Carcinoma: Illustrated Guide to Systematic Radiologic Diagnosis and Staging According to Guidelines of the American Association for the Study of Liver Diseases – Sinead H. McEvoy, MBBCh, FFRRCSI, Colin J. McCarthy
* Hepatocellular Carcinoma Variants: Radiologic-Pathologic Correlation – CT of Atypical and Uncommon Presentations of Hepatocellular Carcinoma – Liver – Masses II – Common Tumors – Richard Baron
* Differentiation of hepatocellular carcinoma from its various mimickers in liver magnetic resonance imaging: What are the tips when using hepatocyte-specific agents? – Yang Shin Park, Chang Hee Lee, Jeong Woo Kim
* Infiltrative Hepatocellular Carcinoma: What Radiologists Need to Know – Arich R. Reynolds, Alessandro Furlan , David T. Fetzer
* Portal Vein Tumour Thrombosis in Hepatocellular Carcinoma: Imaging Features and Implications on Management – S. K. Venkatesh, T. P. Hennedige, G. Wang; Singapore/SG
* Liver Imaging Reporting and Data System (LI-RADS) Version 2018: Imaging of Hepatocellular Carcinoma in At-Risk Patients – Victoria Chernyak , Kathryn J. Fowler
* Radiological Diagnosis of Multifocal Hepatocellular Carcinoma – R. Radu, A. Nago, M. Buruian
* Imaging pitfalls in MDCT of hepatocellular carcinoma: an imaging collection of lessons learned – K. M. Wong, A. C. C. Poh, A. G. S. Tan; Singapore/SG
* Hepatocellular carcinoma – Pictorial Review – P. Ninitas, N. C. S. D. Ferreira
* Radiology Illustrated Hepatobiliary and Pancreatic Radiology – Byung Ihn Choi
* Role of MDCT in planning treatment of Hepatocellular carcinoma and imaging findings in treated lesions – U. S. Umer, A. Nawaz Khan, H. Abid, K. Babar, W. Farman, S. Alam, M. Asif, S. Ghulam ghaus, S. Gul; Peshawar/PK
* Hepatic nodules in cirrhosis – I. G. Lupescu; Bucharest/RO
* Pearls and pitfalls in magnetic resonance imaging of hepatocellular carcinoma – Kovac JD, Milovanovic
* Non-invasive diagnosis of infiltrative hepatocellular carcinoma: tricks and pitfalls – G. Porrello, F. Vernuccio, R. Cannella, G. Brancatelli; Palermo/IT
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 25/5/2023
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 12/3/2023
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 6/1/2023