I. Đại cương
– Co thắt tâm vị (Achalasia) hay co thắt tâm vị nguyên phát là hiện tượng suy giảm nhu động thực quản làm giảm khả năng giãn của cơ vòng thực quản dưới và gây ra sự ứ đọng thức ăn và thường gây giãn thực quản rõ rệt.
– Tắc thực quản đoạn xa do các nguyên nhân khác, đặc biệt là tổn thương ác tính có thể biểu hiện giống như co thắt tâm vị nguyên phát và được gọi là co thắt tâm vị thứ phát hoặc giả co thắt tâm vị (pseudoachalasia).
– Achalasia nguyên phát thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi (30–70 tuổi) mà không có sự thiên lệch về giới tính.
– Nguyên nhân: mất hoặc phá hủy các tế bào thần kinh trong đám rối Auerbach (đám rối cơ ruột). Trong giai đoạn sớm trương lực cơ thắt thực quản dưới có thể bình thường hoặc thay đổi kín đáo. Nhu động cơ trơn thực quản đoạn xa cuối cùng sẽ bị mất do sự kết hợp của tổn thương đám rối Auerbach và dây thần kinh phế vị.
II. Lâm sàng
– Triệu chứng điển hình:
+ Khó nuốt: cả thức ăn đặc và lỏng (khác với ung thư thực quản, chỉ gây khó nuốt với thức ăn đặc).
+ Đau hoặc khó chịu ở ngực.
+ Trào ngược thức ăn: biểu hiện rõ hơn khi bệnh tiến triển.
+ Các triệu chứng thường xuất hiện gián đoạn lúc đầu.
– Các biến chứng có thể gặp khi achalasia kéo dài:
+ Ung thư thực quản: xảy ra ở ~5% các trường hợp, thường ở đoạn giữa thực quản. Có thể do niêm mạc bị kích thích mạn tính bởi tình trạng ứ đọng thức ăn và dịch tiết.
+ Viêm phổi hít: sự hiện diện kéo dài của dịch và mảnh vụn trong thực quản làm bệnh nhân dễ bị hít vào phổi.
+ Viêm thực quản do nấm Candida.
+ Tắc nghẽn đường thở cấp tính: biến chứng hiếm gặp, đòi hỏi phải dẫn lưu thực quản khẩn cấp bằng ống thông dạ dày.
III. Điều trị
1. Nong bóng
– Dùng ống thông thủy ngân khẩu kính to hoặc nong ép dưới áp lực
– Là biện pháp thô bạo dễ biến chứng thủng, chảy máu, viêm trung thất
2. Phẫu thuật
– Phổ biến nhất là cắt cơ thắt vòng tâm vị ngoài niêm mạc (Heller)
– Tỷ lệ thành công 90%
– Sau thủ thuật Heller có thể làm thêm thủ thuật chống trào ngược
– Phẫu thuật nội soi cắt cơ tròn thực quản.
Tài liệu tham khảo
* Esophagus – Part I- Terrence C. Demos, MD, Harold V. Posniak, MD, Wayde Nagamine
* Achalasia with Complete Relaxation of Lower Esophageal Sphincter – Raghu Amaravadi, Marc S. Levine, Stephen E. Rubesin
* Timed barium swallow in the assessment of esophageal emptying in patients with achalasia: How to do it and what to look for – M. A. Serrano, I. V. Toledo Coronado, D. Butrón Hernández
* Efficacy of Peroral Endoscopic Myotomy for Achalasia: Evaluation of Treatment Effect using Timed Barium Esophagography according to the Diameter of Lower Esophageal Sphincter – J.-J. Chung, J. H. Kim, E.-S. Cho, J.-S. Yu; Seoul/KR
* Primary versus secondary achalasia: New signs on barium esophagogram – Pankaj Gupta, Uma Debi, Saroj Kant Sinha, Kaushal Kishor Prasad
* Findings of Esophagography for 25 Patients After Peroral Endoscopic Myotomy for Achalasia – Jennifer L Levy, Marc S Levine, Stephen E Rubesin
* Utility of chest CT for differentiating primary and secondary achalasia – M Y Licurse, M S Levine, D A Torigian, E M Barbosa Jr
* Achalasia with Complete Relaxation of Lower Esophageal Sphincter: Radiographic-Manometric Correlation – Raghu Amaravadi, Marc S. Levine, Stephen E. Rubesin, Igor Laufer
* Diagnosis of Primary Versus Secondary Achalasia Reassessment of Clinical and Radiographic Criteria – Courtney A. Woodfield, Marc S. Levine, Stephen E. Rubesin
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 5/3/2025
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 28/6/2024