I. Đại cương
– Sỏi tuyến nước bọt (Salivary duct stone / sialolithiasis) là sự tích tụ các khoáng chất trong ống dẫn từ các tuyến nước bọt. Sỏi được tạo ra từ các muối canxi và có kích thước thay đổi. Chúng làm nghẽn một phần hay toàn bộ ống tuyến.
– Là bệnh phổ biến nhất của tuyến nước bọt, chiếm khoảng 50% tổng số bệnh lý tuyến nước bọt chính. Tuyến nước bọt dưới hàm thường bị ảnh hưởng nhiều nhất (80-90% các trường hợp).
– Bệnh thường gặp ở người lớn, từ 30-60 tuổi.
– Nam giới thường gặp hơn nữ giới.
II. Giải phẫu
Có 3 tuyến nước bọt chính nằm xung quanh xương hàm dưới và nhiều tuyến nước bọt phụ phân bố khắp khoang miệng như ở lưỡi, khẩu cái, môi, má…
* Tuyến mang tai
– Tuyến mang tai (Parotid gland) nằm ở sau hàm, trước tai và cơ ức đòn chũm. Các phần của thùy nông che phủ hàm dưới và phần sau của cơ cắn.
– Ranh giới giữa thùy nông và sâu được tạo bởi mặt phẳng chứa dây thần kinh mặt và các nhánh của nó. Tĩnh mạch sau hàm – thường nằm ngay trên dây thần kinh mặt được dùng làm mốc siêu âm để chia thùy nông và thùy sâu.
– Đậm độ tuyến thường đồng nhất, hồi âm tăng mạnh hoặc chỉ hơi tăng âm so với cơ quan lân cận. Đậm độ âm phụ thuộc mô mỡ trong tuyến.
– Trong nhu mô tuyến mang tai có thể thấy các hạch bạch huyết, nằm chủ yếu ở cực trên và dưới của tuyến. Hạch có hình bầu dục hoặc thon dài.
* Tuyến dưới hàm
– Tuyến dưới hàm (Submadibular gland) nằm ở phần sau của tam giác dưới hàm. Khoảng trước tuyến dưới hàm là mô liên kết và các hạch bạch huyết. Tuyến dưới hàm có thể nối với tuyến mang tai hoặc tuyến dưới lưỡi bằng các mỏm tuyến.
– Động mạch mặt có thể chạy trong tuyến dưới hàm. Tĩnh mạch mặt chạy dọc phần trên của tưới. Động mạch và tĩnh mạch lưỡi chạy phía trong tuyến.
– Ống ngoại tiết tuyến dưới hàm (ống Wharton) chạy từ vùng rốn của tuyến dưới hàm ở mức của cơ hàm móng, rồi chạy qua phần tự do của cơ hàm móng và kéo dài tới lỗ của nó ở mào dưới lưỡi theo phần trong của tuyến dưới hàm. Thông thường ống không giãn sẽ không quan sát trên siêu âm.
– Với một số bệnh nhân béo phì, đã xạ trị vùng cổ, nhu mô tuyến dưới hàm có thể cản sóng âm tới độ không thể nhìn thấy các cấu trúc nằm sâu sau tuyến và bờ sau của tuyến.
* Tuyến dưới lưỡi
– Tuyến dưới lưỡi (Sublingual gland) nằm giữa các cơ của sàn miệng: cơ cằm móng, cơ trong lưỡi, cơ móng lưỡi và cơ hàm móng. Mặt ngoài tuyến sát xương hàm. Trên mặt cắt ngang tuyến có hình bầu dục, trên mặt cắt song song với thân xương hàm tuyến hình hạt và thuôn dài, ống ngoại tiết của tuyến chạy dọc theo phần trong của tuyến.
Tài liệu tham khảo
* Ultrasound of salivary glands: a pictorial review – B. M. Torres Rodrigues, J. C. Ruivo Rodrigues, C. Albuquerque
* MR sialography in the assessment of major salivary glands: A pictorial review – A. D. C. Jacob, P. D. Billington, P. Strong
* The Parotid Gland On Ultrasound: Old But Gold – V. A. A. Pire, D. Roriz, D. Breda
* Imaging diagnosis of the salivary glands in childhood – C. Codina Aróztegui, C. Duran Feliubadaló, I. Romero Novo
* Evaluation of salivary glands by imaging methods: correlated with SIALO-MR – E. C. Raimundo, M. F. P. Pereira, M. D. S. Guedes
* The Diagnostic Accuracy of Contrast-Enhanced CT of the Neck for the Investigation of Sialolithiasis – Y M Purcell, R G Kavanagh, A M Cahalane
* Salivary gland calculi – contemporary methods of imaging – Iwona Rzymska-Grala, Zygmunt Stopa, Bartłomiej Grala
* The MR Imaging Assessment of Submandibular Gland Sialoadenitis Secondary to Sialolithiasis: Correlation with CT and Histopathologic Findings – Misa Sumi, Masahiro Izumi, Koichi Yonetsu and Takashi Nakamura
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 9/2/2023
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 4/2/2023
# Cập nhật nội dung bài viết & Case lâm sàng 23/12/2022